THƯ VGIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 05 NĂM 2025 BÁC HỒ VỚI HỌC SINH VÀ SINH VIÊN
Chủ nhật - 11/05/2025 20:32
Kính thư quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến! Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đi xa nhưng tình cảm Bác để lại cho dân tộc ta thật lớn lao. Cả cuộc đời Bác dành tình cảm cho nhân dân, cho đất nước, đặc biệt là các cháu thiếu nhi.
Nhân kỉ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác (19/05/1890 - 19/05/2025), thư viện trường THCS Kiến Hưng trân trọng giới thiệu đến các thầy cô giáo cùng các em học sinh cuốn sách “Bác Hồ với học sinh và sinh viên” được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2008 trên khổ giấy 12x20,5cm. Nội dung sách gồm 116 trang do Bảo An sưu tầm – tổng hợp.
Ngay trang bìa của sách, bạn đọc sẽ chiêm ngưỡng ngay hình ảnh Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất sống động với vầng trán rộng mông mênh và gương mặt hiền hòa giữa đám học sinh thiếu nhi rạng rỡ trìu mến quây quanh. Lật qua từng trang sách là 4 bức thư và 28 câu chuyện về tình cảm yêu thương và sự quan tâm, ân cần của Bác Hồ đối với thế hệ tương lai của đất nước. Tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, Bác đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Theo Bác, công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học và THCS có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Bác đã nói, cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn tính cách vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, năng động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: “chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Tư tưởng tiến bộ đó của Bác đã cho chúng ta nhận thấy giá trị quan trọng của công tác giáo dục nhi đồng nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung – sự nghiệp đó phải thực sự khoa học và nghiêm túc. Mỗi câu chuyện là những kỷ niệm sâu sắc từng nơi Bác đã đến như: Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Trường Âm nhạc Việt Nam, Trường Sư phạm miền núi Trung ương, một lớp học của Tổng cục chính trị, trường Điện ảnh Việt Nam; trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, trường Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định… Tất cả đều là những cảm xúc thiêng liêng nhất của những người đã từng được gặp Bác – một vị chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn dành thời gian đến thăm trường, hay đi bất cứ nơi đâu đều mang theo bao sự yêu thương bằng lời động viên, nhắc nhở, dặn dò thầy trò, thanh thiếu niên học sinh về sự đoàn kết, yêu thương nhau và nỗ lực học tập vươn lên trong bất kỳ môi trường, hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu để trở thành những công dân có ích của Tổ quốc. Thật xúc động khi đọc câu chuyện “Tình thương của Bác”: vào tháng 3 năm 1966, chỉ một buổi sáng 44/45 em học sinh lớp 6A trường cấp 2 Hương Phúc thuộc huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh, đã bị vùi lấp dưới hố bom (chỉ còn lại một em sống sót vì có việc nhà xin đến muộn), nơi đây chịu đựng bao ác liệt của không lực Hoa Kỳ đã rải thảm bom B.52 vào làng mạc, bệnh viện chùa chiền, nhà thờ, trường học. Được tin đau thương này, dù rất bận rộn nhưng Bác không quên một lớp học nhỏ đau thương – nơi thâm Sơn xa vời trong trăm ngàn lớp học khác. Bác đã cho mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thầy trò của Trường và đại diện thân nhân của em bị nạn đến thăm hỏi, vỗ về, an ủi. Trong vấn đề học tập, Bác nhắc nhở học sinh, sinh viên Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học…để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà…Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời dạy của Bác kính yêu, mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam “cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập; Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị; Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Đọc những mẩu chuyện trong cuốn sách “Bác Hồ với học sinh và sinh viên”, bạn đọc càng hiểu sâu sắc sự gian khó và niềm tự hào của học sinh, sinh viên qua các thế hệ và tình cảm đặc biệt của Bác đối với thế hệ tương lai của đất nước, kể lại quá trình sinh sống và học tập và làm việc cũng như những cống hiến của Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình. Các bạn học sinh thân mến. Là học sinh những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta hãy cố gắng ra sức học tập, rèn luyện để sau này xây dựng đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu. Cuốn sách “Bác Hồ với học sinh và sinh viên” hiện đang có trong tủ sách Bác Hồ tại thư viện nhà trường. Kính mời các thầy cô giáo và các bạn tìm đọc.